Cả lớp, thậm chí cả khóa học với hàng trăm sinh viên nhưng chỉ có duy nhất một sinh viên nữ là chuyện không hiếm ở các ngành khối kỹ thuật.
“Bóng hồng” duy nhất của lớp
Những lớp học lác đác một, hai sinh viên nữ chủ yếu ở các trường khối kỹ thuật như: Công nghiệp, Bách khoa, Giao thông vận tải... Khoa Cơ khí khóa 9, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, có hơn 10 lớp nhưng chỉ vỏn vẹn 5 sinh viên nữ. Đây là khoa có điểm đầu vào cao nhất nhì trường.
Là nữ sinh viên duy nhất trong 35 sinh viên lớp chất lượng cao Cơ khí 1, Nguyễn Thị Đào chia sẻ: “Đến ngày nhập học, bố mẹ vẫn hỏi xem mình có quyết tâm vào ngành này không. Tất nhiên là mình quyết theo bởi sở thích và thấy cơ hội làm nghề sau khi ra trường dù biết sẽ phải học vất vả hơn”. Tuy nhiên, những ngày đầu vào lớp, Đào cũng không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ và buồn khi lớp chỉ có một mình cô là nữ. “Lúc đầu nhiều bạn thắc mắc tại sao con gái lại học cơ khí. Đến tận bây giờ, chỉ khi mình đưa thẻ sinh viên ra mọi người mới tin. Mới đầu có chút lạc lõng nhưng chỉ khoảng 1 tuần, mình đã hòa nhập, chơi khá thân với các bạn”, Đào chia sẻ.
Kỷ niệm khiến Đào ấn tượng nhất vẫn là những ngày thực hành. “Có hôm lịch học kín mít, sáng học xong mình chưa kịp ăn trưa đã phải vào lớp chiều. Cũng may các thầy tâm lý, tạo điều kiện cho mình có thêm thời gian ăn, nghỉ trưa rồi mới tiếp tục học”.
Còn Nguyễn Thị Thanh Lam (lớp Cơ khí 2, khóa 9, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) gặp khó hơn khi ban đầu ai cũng ra sức can ngăn Lam không nên theo ngành này. Đến nay, Lam đã quen với chuyện cả bàn tay phỏng rộp khi thực hành tháo lắp các chi tiết máy. Thỉnh thoảng, trong quá trình cắt gọt phôi, phoi bay ra bắn vào người, cháy sém quần áo bảo hộ, gây bỏng. Vì vậy, tay, chân, cổ của Lam có khá nhiều sẹo. Lam chia sẻ, hồi đầu còn thấy đau, giờ bị nhiều quá nên thành quen.
Nguyễn Thị Đào và Nguyễn Thị Thanh Lam (từ trái sang) trong một giờ thực hành của khoa Cơ khí.(Ảnh: THANH HÙNG)
“Các sinh viên nữ của khoa sau khi tốt nghiệp, số thì vào làm việc ở các công ty, số khác vào dạy tại các trường nghề, giảng viên trung tâm đào tạo cho một số công ty liên doanh lớn với mức thu nhập khả quan và ổn định. Với sinh viên nữ sau khi ra trường, gần như 100% có việc, phần lớn là lương cao” - Thầy Nguyễn Văn Thiện, Phó trưởng khoa Cơ khí, ĐH Công nghiệp Hà Nội
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn: Phụ nữ Việt Nam
Thứ Tư, 07:53 28/10/2015
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.