Kỹ sư Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp – Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc CM công nghiệp 4.0
Kỹ thuật hệ thống công nghiệp là ngành kỹ thuật lâu đời và phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới và hiện đang có nhu cầu nhân lực lớn tại Việt Nam. Nhiệm vụ của ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp là giải quyết các vấn đề trong sản xuất và điều hành doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu trong sản xuất và điều hành doanh nghiệp bằng năng lực vận dụng một cách hệ thống, sáng tạo các mô hình và công cụ toán học, máy tính, kiến thức về hành vi con người (ergonomics) trong các hệ thống công nghiệp cũng như kiến thức về môi trường, kinh tế-xã hội có liên quan đến hoạt động sản xuất và điều hành doanh nghiệp nhằm đạt được những giải pháp hiệu quả...
Là một ngành kỹ thuật, Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp có những điểm chung với các ngành kỹ thuật khác đó là mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, cùng dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp khác với các ngành kỹ thuật khác ở một số điểm như: năng suất và chất lượng mà Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp hướng tới là ở cấp hệ thống, không phải ở cấp trang thiết bị và công nghệ, Kỹ thuật hệ thống
Công nghiệp còn phải dựa trên cơ sở khoa học về con người cũng như giao tiếp giữa máy móc thiết bị với con người để đảm bảo tính ổn định, tính bền vững của năng suất và chất lượng trên quy mô hệ thống. Trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì đây là các yêu cầu bắt buộc để tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp, thì việc nghiên cứu giải pháp tính ổn định của hệ thống sản xuất cũng như giảm thiểu các chi phí trong chuỗi các hoạt động sản xuất và dịch vụ nhằm nâng cao năng suất và giảm giá thành sản phẩm là những tiêu chí mà các Doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất, dịch vụ đều hướng đến. Do đó, các vấn đề mang tính hệ thống của doanh nghiệp mà một kỹ sư Kỹ thuật hệ thống công nghiệp có thể giải quyết như:
• Dự báo nhu cầu dài hạn về sản phẩm và xác định nguồn lực (nguyên liệu, nhân công, năng lực sản xuất…) với chi phí tối thiểu để đáp ứng nhu cầu đó.
• Giảm chi phí tồn kho và bảo đảm đáp ứng nhu cầu của sản xuất về vật tư (hoạch định nhu cầu vật tư)
• Giảm thiểu lãng phí trong sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm (kiểm soát quá trình, kiểm soát quá trình đầu vào…)
• Giảm thiểu thời gian dùng máy và giảm thiểu chi phí bảo trì, sửa chữa máy móc (quản lý bảo trì)
• Giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng tính linh hoạt và hiệu quả sử dụng nguồn lực, lập kế hoạch sản xuất hiệu quả (hoạch định năng lực sản xuất, đo lường năng xuất và hiệu quả nguồn lực…)
• Đảm bảo thời gian đáp ứng đơn hàng và thời gian giao hàng với giá cả cạnh tranh.
• Nâng cao hiệu quả đầu tư và phát triển cả về sản phẩm lẫn quy trình công nghệ (thiết kế và phát triển sản phẩm, quản lý dự án...)
• Cải tiến quy trình và cải thiện phương pháp làm việc (Đo lường lao động và thiết kế công việc)
• Phát triển, cải tiến và đánh giá những hệ thống tích hợp bao gồm con người, ngân sách kiến thức, thông tin, công cụ, năng lượng, nguyên vật liệu và quá trình.
Để giải quyết các vấn đề trên, kỹ sư Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp phải được trang bị kiến thức về hệ thống sản xuất, thống kê; các công cụ toán học, lập kế hoạch và thực hiện thiết kế mới hay tái thiết kế hệ thống sản xuất và điều hành quá trình để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Đặc biệt, kỹ sư ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp sẽ được trang bị các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng làm việc nhóm, khả năng làm việc độc lập, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiên cứu và thực hiện dự án. Sau khi hệ thống đã được thiết kế hay tái thiết kế, kỹ sư Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp sẽ vận hành, kiểm soát một cách hiệu quả các hệ thống này. Do vậy, kỹ sư Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp có thể làm việc tại các nhà máy, viện nghiên cứu, trường học, bệnh viện, siêu thị, cảng, kho vận… thuộc các lĩnh vực hàng không, y tế, cơ khí, dệt - may, hóa - mỹ phẩm, tài chính, vận tải, đảm nhận các vị trí làm việc như:
- Kỹ sư phân tích các giải pháp tối ưu hóa trong sản xuất và dịch vụ;
- Kỹ sư thiết kế hệ thống quản lý nguồn lực cho doanh nghiệp;
- Phân tích và cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ, tối đa hóa lợi nhuận cho công ty, doanh nghiệp
- Thiết kế giải pháp tổng thể nhằm tối thiểu hóa về chi phí sản xuất và vận hành đến mức thấp nhất.
- Quản lý logistics và chuỗi cung ứng
- Quản lý các dự án công nghiệp của công ty, tập đoàn liên doanh
- Quản lý và điều hành các hệ thống kho vận, vật tư, giao nhận hàng hóa
- Chuyên viên kế hoạch, chuyên viên chất lượng, chuyên viên dự án, chuyên viên cung ứng vật tư
- Giảng dạy tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay tại các trung tâm dạy nghề trên khắp cả nước....
* Đại học Công nghiệp Hà Nội bước đột phá mới trong cuộc Cách mạng 4.0
Hiện nay, Ngành Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp mới chỉ đào tạo tại các trường Đại học Phía Nam như: Đại Học Bách Khoa-Đại Học Quốc Gia Hồ Chí Minh, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ và Đại học Quốc Tế-Đại Học Quốc Gia Hồ Chí Minh. Với nhu cầu hiện nay, 100% sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp được đảm bảo có việc làm đúng ngành nghề, với mức lương khởi điểm 1.000USD;
(nguồn:
- https://tuyensinhso.vn/nhom-nganh-dao-tao/nganh-ky-thuat-he-thong-cong-nghiep-c16794.html)
- https://tuoitre.vn/ky-thuat-he-thong-cong-nghiep-luong-khoi-diem-1000-usd-20180424075927817.htm
- https://meslab.org/threads/gioi-thiu-nganh-k-thut-h-thng-cong-nghip-ise.12711/ )
Năm 2019, Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội mở ngành đào tạo Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp, là trường đầu tiên khu vực phía Bắc. Do là năm đầu tuyển sinh, thông tin của ngành chưa nhiều, chưa đến được với nhiều thí sinh, nên năm 2019 tổng số nguyện vọng đăng ký ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp thấp (tỷ lệ chọi gần 1:1) vì vậy thí sinh đăng ký vào ngành khả năng đỗ rất cao...
Thí sinh trúng tuyển ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp sẽ được học tập, nghiên cứu khoa học tại khoa Cơ khí – Trường ĐHCN Hà Nội là một trong các khoa được đánh giá có môi trường năng động, sáng tạo thông qua các chương trình học được xây dựng tiên tiến theo nhu cầu thực tiễn xã hội, được làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có mô hình quản lý hiện đại.
Mọi thông tin về ngành Kỹ Thuật Hệ thống Công nghiệp có thể tham khảo tại:
-https://tuyensinh.haui.edu.vn/dai-hoc/ky-su-ky-thuat-he-thong-cong-nghiep/5c73ad7b232129282019733f
- https://tuyensinh.haui.edu.vn/dai-hoc/tuyen-sinh-dai-hoc-chinh-quy
-https://tuyensinhso.vn/nhom-nganh-dao-tao/nganh-ky-thuat-he-thong-cong-nghiep-c16794.html
Thứ Tư, 09:18 17/07/2019
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.