Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp trường cho nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Đức ngành Kỹ thuật Cơ khí
Sáng ngày 3/11/2020, tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã diễn ra buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường, chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí cho nghiên cứu sinh (NCS) đầu tiên Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ thuật HaUI - Foxconn với đề tài “Nghiên cứu xác định chế độ công nghệ tối ưu khi gia công xung tia lửa điện bằng điện cực đồng” do PGS.TS Phạm Văn Bổng - ĐH Công Nghiệp Hà Nội và PGS.TS Trần Xuân Việt -ĐH Bách Khoa Hà Nội làm hướng dẫn.
Hội đồng đánh giá luận án có các thành viên: GS.TSKH.Bành Tiến Long - Đại học Bách khoa Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng ĐHCNHN, Ủy viên; TS. Nguyễn Văn Thiện – ĐHCNHN - Ủy viên, Thư ký; PGS.TS.Trương Hoành Sơn – ĐHBKHN - Phản biện 1; PGS.TS. Đào Duy Trung - Viện Nghiên cứu cơ khí, Phản biện 2; PGS.TS. Trần Ngọc Hiền - ĐH Giao thông vận tải, Phản biện 3; TS. Đoàn Tất Khoa - Học viện KTQS, Ủy viên.
Đề tài phù hợp với chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí, nội dung luận án phù hợp với tên đề tài và không trùng lặp với các công trình đã công bố trong và ngoài nước.
Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Nguyễn Văn Đức trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS Nguyễn Văn Đức.
Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp trường cho NCS Nguyễn Văn Đức
Về ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án:Thông qua nghiên cứu thực nghiệm, luận án đã xác định được bộ thông số công nghệ đầu vào (cường độ dòng điện, điện áp khe hở phóng điện, thời gian phóng điện, thời gian ngừng phóng điện) có ảnh hưởng đến độ cứng tế vi bề mặt, độ nhám bề mặt gia công, chiều dày lớp trắng, tốc độ mòn điện cực, năng suất bóc tách vật liệu với điện cực bằng đồng đỏ và vật liệu SKD11 đã nhiệt luyện. Đã tìm ra các bộ thông số công nghệ tối ưu phù hợp với quá trình EDM với vật liệu SKD11. Kết quả nghiên cứu của luận án bước đầu là cơ sở để các nhà công nghệ nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng gia công EDM. Phương pháp nghiên cứu có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu, tối ưu hóa các quá trình gia công EDM.
Những đóng góp mới của luận án: Xây dựng được mô hình thực nghiệm với 4 thông số đầu vào (điện áp khe hở phóng điện, cường độ dòng điện, thời gian phóng điện và thời gian ngừng phóng điện) và các chỉ tiêu đầu ra của quá trình (năng suất bóc tách vật liệu, độ nhám bề mặt, độ cứng tế vi lớp bề mặt, chiều dày lớp trắng, mòn điện cực) với điều kiện gia công là điện cực bằng đồng đỏ, vật liệu gia công là thép SKD11 đã nhiệt luyện.
Xác định được ảnh hưởng của 4 thông số đầu vào (điện áp khe hở phóng điện, cường độ dòng điện, thời gian phóng điện và thời gian ngừng phóng điện) đến 5 chỉ tiêu đầu ra (năng suất bóc tách vật liệu, độ nhám bề mặt, độ cứng tế vi lớp bề mặt, chiều dày lớp trắng, mòn điện cực).
Đã tối ưu hóa đơn mục tiêu theo phương pháp Taguchi, tìm ra bộ thông số tối ưu cho từng chỉ tiêu. Tối ưu hóa đa mục tiêu theo phương pháp Taguchi – AHP – Deng’s, tìm ra bộ thông số tối ưu cho 5 chỉ tiêu đầu ra.
NCS Nguyễn Văn Đức - Trình bày luận án Tiến sĩ trước Hội đồng
Hội đồng chấm luận án đánh giá cao ý nghĩa khoa học, độ tin cậy và những đóng góp mới của luận án, 4/7 phiếu đánh giá luận án đạt kết quả xuất sắc và đề nghị Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội công nhận học vị, cấp bằng Tiến sĩ cho NCS Nguyễn Văn Đức.
Hội đồng chúc mừng NCS Nguyễn Văn Đức bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp trường
Bạn bè, đồng nghiệp và người thân chúc mừng NCS Nguyễn Văn Đức bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp trường
Thứ Tư, 08:42 04/11/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.