Đề tài: "Xây dựng bài giảng E-learning học phần Vẽ kỹ thuật tại trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội"
Chiều ngày 31/05/2019, Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội tổ chức nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường: " Xây dựng bài giảng E-learning học phần Vẽ kỹ thuật tại trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội" do ThS. Võ Thị Như Uyên Khoa Cơ khí làm chủ nhiệm. Nhóm tác giả nghiên cứu gồm có: ThS. Trần Anh Sơn, TS. Nguyễn Xuân Chung, TS. Nguyễn Thị Hương Giang và PGS.TS Lê Huy Hoàng.
Thế kỉ 21 đánh dấu sự chuyển đổi của xã hội sang hình thái mới: xã hội thông tin và tri thức. Để thiết lập xã hội tri thức thành công, hệ thống giáo dục cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cùng các phương thức (kiểu) dạy mới để người học học mọi lúc, mọi nơi. Trong số nhiều công nghệ hiện đại, e-learning được xem là nền tảng tiềm năng cho giáo dục và mô hình đào tạo trực tuyến phi giảng đường này đã, đang phát huy được thế mạnh, trở thành xu thế như hiện nay.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) thách thức ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại. Trong đó: Dạy chuyển sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, tạo nên nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; Học chuyển sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Học không chỉ là học một lần cho cả đời mà là học cả đời để làm việc cả đời.
Vẽ kỹ thuật là một trong những học phần thuộc khối kiến thức cơ bản, tạo nền tảng lĩnh hội các kiến thức chuyên ngành của không chỉ sinh viên chuyên ngành kỹ thuật nhưng lại có nội dung trừu tượng khó hiểu. Vì vậy, nếu học phần chỉ được giảng dạy với bài giảng truyền thống sẽ khó huy động được tối đa các giác quan của người học, khó đạt được hiệu quả cao trong dạy - học.
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Xây dựng bài giảng e-learning học phần Vẽ kỹ thuật tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội“ là thiết thực và có ý nghĩa.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài: " Xây dựng bài giảng E learning học phần Vẽ kỹ thuật tại trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội"
Đề tài đã tổng hợp những nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến xây dựng bài giảng E learning trong giáo dục đại học; xây dựng khái niệm về bài giảng điện tử, bài giảng E learning; đề xuất mô hình dạy học 5E gồm Engage (Gắn kết), Explore (Khảo sát), Explain (Giải thích), Elaborate (Áp dụng) và Evaluate (Đánh giá); quy trình 3 bước để xây dựng bài giảng e-learning học phần Vẽ kỹ thuật.
Sản phẩm đề tài gồm: 1-Tài liệu dạy; 2-Tài liệu học; 3-Hệ thống bài hướng dẫn, bài tập tương tác; 4-Diễn đàn học tập theo 04 chủ đề. Kết quả thực nghiệm sư phạm cho thấy những tác động tích cực của bài giảng đến thái độ học tập, điểm kiểm tra thành phần và kết quả thi cuối học kì của người học.
Kết thúc buổi bảo vệ, Hội đồng đánh giá cao kết quả của đề tài, thống nhất nghiệm thu đề tài đạt loại Khá và đề nghị nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để triển khai giảng dạy tại Khoa, Trường.
Thứ Bảy, 10:11 01/06/2019
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.